5 câu hỏi về vaccine sốt xuất huyết?

Vì sao cần tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết, bao lâu có kháng thể, nên kiêng cữ gì sau tiêm... là câu hỏi phổ biến, được bác sĩ giải đáp dưới đây.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng cuối năm do mưa nhiều. Mới đây, Việt Nam có vaccine sốt xuất huyết, kịp thời phòng bệnh cho trẻ em và người lớn khi thời tiết mưa nhiều, số ca mắc tăng cao hơn vào cuối năm

Bác sĩ Chính giải đáp 5 câu hỏi về vaccine mới:

Vì sao cần tiêm vaccine sốt xuất huyết?

Trước đây, mùa mưa thường là cao điểm sốt xuất huyết do muỗi sinh sản nhanh. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, giao thương... dịch dần khó lường, tác động cả trẻ em lẫn người lớn. Hàng trăm nghìn người mắc cùng hàng chục ca tử vong mỗi năm.

Diễn biến bệnh không thể đoán trước, có thể sốc, thoát dịch, xuất huyết nặng, suy hô hấp, suy đa tạng... và tử vong. Theo CDC Mỹ, khoảng một trong 20 người mắc tiến triển nặng, đe dọa tính mạng và mỗi người có thể nhiễm 4 lần sốt xuất huyết trong đời.

Ở trẻ em, dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với sốt thông thường, trẻ không chia sẻ nên dễ diễn tiến nặng. Theo Viện y khoa quốc gia Mỹ, số trẻ tử vong do sốt xuất huyết chiếm 25,6% các ca mắc. Thai phụ nhiễm bệnh có thể bị sảy, thai chết lưu, sinh non. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng với ca nhẹ và điều chỉnh rối loạn bệnh sinh với trường hợp nặng.

Vaccine sốt xuất huyết phòng đủ 4 type huyết thanh virus gây bệnh gồm: Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, hiệu quả ngừa hơn 80%, ngăn nguy cơ nhập viện do bệnh đến 90%, phòng tái nhiễm cho người từng mắc.

Nghiên cứu cho thấy vaccine hiệu quả tương đương giữa người mắc và từng bị sốt xuất huyết. Trong đó, type Den-2 chiếm tỷ lệ cao, phổ biến toàn cầu, thường nặng hơn các type huyết thanh khác.

Vaccine có thể ngừa 4 type virus sốt xuất huyết. Ảnh: MN

Vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết Dengue mới, do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) phát triển. Dòng này có khả năng bảo vệ với hai liều tiêm cách nhau ba tháng mà không yêu cầu xét nghiệm bệnh trước khi tiêm.

Bao lâu có kháng thể kể từ lúc tiêm?

Tương tự các loại thông thường khác, vaccine sốt xuất huyết (Qdenga) cần trung bình hai tuần tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đầy đủ mũi để đạt hiệu quả tối đa.

Trước tình hình dịch đang thất thường do biến đổi khí hậu, người dân cần tiêm sớm và đầy đủ.

Tính an toàn của vaccine thế nào?

Vaccine sốt xuất huyết được thử nghiệm trên 28.000 người ở 26 điểm, thuộc 8 quốc gia có bệnh lưu hành. Hồi tháng 5, WHO tiền thẩm định, đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Takeda.

Dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy Qdenga dung nạp tốt, không ghi nhận vấn đề nghiêm trọng nào về tính an toàn. Tỷ lệ tác dụng phụ sau tiêm ở nhóm dùng Qdenga tương đương nhóm dùng giả dược. Đến hết tháng 8, mũi tiêm này được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, trong đó có Anh, Brazil, Indonesia, Thái Lan...

Tác dụng phụ và cách xử trí?

Sau 1-2 ngày đầu tiêm vaccine sốt xuất huyết, mọi người có thể gặp phản ứng như đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, đau cơ, khó chịu, ban đỏ tại chỗ tiêm. Lần tiêm thứ hai ít gặp vấn đề hơn.

Người được tiêm chủng cần tuân thủ nguyên tắc theo dõi phản ứng sau tiêm tại chỗ ít nhất 30 phút và tiếp tục kiểm tra ở nhà trong 24-48 giờ. Nếu có dấu hiệu hiếm gặp như khò khè, khó thở, phát ban, tím tái, đau quặn bụng... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí kịp thời.

Có nên kiêng cữ sau tiêm?

Sau tiêm chủng, mọi người nên kiêng uống rượu bia để hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất. Ngoài ra, phản ứng khi uống đồ có cồn có thể bị nhầm lẫn với sốc phản vệ sau tiêm, gây khó khăn cho việc theo dõi, điều trị kịp thời.

Cần ăn uống đủ dưỡng chất trước và sau tiêm. Tránh tiêm khi bụng đói, bổ sung dinh dưỡng sau đó có giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Mặt khác, nên ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước. Đau đầu là phản ứng thường gặp, nếu để mất nước, tình trạng sẽ trầm trọng hơn. Do đó, sau tiêm, mọi người cần uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây nguyên chất, nói không với đồ có cồn và thức uống chứa nhiều đường.