Xu hướng

Australia cấm mạng xã hội cho trẻ dưới 16 tuổi?

Thành bại của Australia sẽ là tiền lệ quan trọng cho các quốc gia châu Á. Các nước này đã bắt đầu thắt chặt kiểm soát mạng xã hội, buộc các tập đoàn lớn chịu trách nhiệm.

Thủ tướng Australia đã so sánh luật với các quy định cấm trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia. . Ảnh: Sipa USA.

Ban hành một trong những luật quản lý mạng xã hội nghiêm ngặt nhất thế giới, Australia đã chính thức cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng như TikTok, Instagram, Facebook và X. Luật này được xem là một bước tiến để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ mạng xã hội, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi cả trong và ngoài nước.

Nghe lý tưởng, nhưng luật khó áp dụng thực tế

Luật cấm được Quốc hội Australia thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng. Thủ tướng Anthony Albanese đã khẳng định mục đích của luật là bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các tập đoàn công nghệ: trách nhiệm xã hội của họ phải được đặt lên hàng đầu.

Theo luật, các nền tảng mạng xã hội phải có "các bước hợp lý" để ngăn trẻ dưới 16 tuổi tạo tài khoản hoặc sử dụng dịch vụ. Nếu vi phạm, các công ty có thể đối mặt với mức phạt lên đến 50 triệu AUD (khoảng 32 triệu USD).

Thủ tướng Albanese đã so sánh luật với các quy định cấm trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia. "Chúng tôi không cho rằng việc thực hiện sẽ hoàn hảo, giống như lệnh cấm rượu đối với người dưới 18 tuổi. Nó không có nghĩa là người dưới 18 tuổi không bao giờ được tiếp cận, nhưng chúng tôi biết rằng đó là điều đúng đắn”, ông khẳng định.

Các mạng xã hội lớn như Facebook, TikTok đều bị cấm cho trẻ dưới 16 tuổi, trừ YouTube. Ảnh: Bloomberg.

Luật này được xây dựng dựa trên lo ngại về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em như tiếp xúc với nội dung độc hại, bắt nạt trực tuyến, thời gian sử dụng màn hình quá mức và áp lực từ các hình mẫu lý tưởng không thực tế. Một cuộc khảo sát vào tháng 11/2024 cho thấy 77% người dân Australia ủng hộ lệnh cấm và 87% muốn áp dụng các hình phạt nặng hơn với các nền tảng không tuân thủ.

Mặc dù mục tiêu của luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, cách thức thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, xác minh tuổi tác trên không gian mạng là một bài toán khó. Các giải pháp như công nghệ nhận diện khuôn mặt hay xác thực dữ liệu cá nhân đều vấp phải những lo ngại về quyền riêng tư và tính khả thi.

Hiện chính phủ Australia không bắt buộc người dùng phải cung cấp giấy tờ tùy thân, thay vào đó yêu cầu các nền tảng tự triển khai các giải pháp thay thế hợp lý. Dữ liệu xác minh độ tuổi cũng phải được xóa ngay sau khi xác nhận để tuân thủ Đạo luật Quyền riêng tư của Australia.

Hiện tại, một chương trình thử nghiệm xác minh độ tuổi đang được triển khai và dự kiến báo cáo kết quả vào giữa năm 2025.

Một vấn đề khác là định nghĩa thế nào là "mạng xã hội bị hạn chế độ tuổi”. Luật xác định đây là các dịch vụ điện tử có mục đích chính hoặc đáng kể là tạo điều kiện cho sự tương tác trực tuyến giữa người dùng.

Theo định nghĩa này, các nền tảng như Instagram, Facebook, TikTok và Snapchat sẽ nằm trong danh sách bị cấm, trong khi YouTube - nhờ nội dung mang tính giáo dục - được miễn trừ. Tuy nhiên, việc phân loại này đặt ra câu hỏi về sự nhất quán khi nhiều nền tảng có mục đích đa dạng, theo Nikkei Asia.

Giáo sư Mimi Zou của Đại học New South Wales cho rằng người dùng trẻ tuổi có thể chuyển sang sử dụng các nền tảng ít được kiểm soát hơn hoặc các khu vực tối của Internet. Đây là nơi người trẻ có nguy cơ gặp nội dung độc hại và các mối đe dọa như lạm dụng và cực đoan hơn.

Theo Reuters, lệnh cấm cũng gây ra nhiều phản ứng khác nhau tại Australia. Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ, coi đây là công cụ hữu hiệu để giảm bớt áp lực từ mạng xã hội lên con em họ. Dany Elachi, đồng sáng lập mạng lưới Heads Up Alliance, cho rằng luật này sẽ thay đổi các chuẩn mực xã hội xung quanh việc sử dụng mạng xã hội ở trẻ em. "Nếu mọi người đều bị hạn chế, không ai bị thiệt thòi”, ông nói với New York Times.

Ngược lại, các nhà phê bình và một số công ty công nghệ cho rằng luật này chưa thực sự thực tế và có thể mang lại những hậu quả không mong muốn. Đại diện TikTok cho rằng, các biện pháp hạn chế có thể đẩy trẻ em đến những nền tảng kém an toàn hơn, thậm chí là các góc tối của Internet.

"Chúng tôi thất vọng khi chính phủ Australia phớt lờ các lời khuyên từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần và an toàn trực tuyến”, phát ngôn viên của TikTok tuyên bố.

Bài học nào cho châu Á?

Giáo sư Mimi Zou nhận định tác động của mạng xã hội đối với trẻ em là một con dao 2 lưỡi. Bên cạnh những nguy cơ về sức khỏe tâm lý và xã hội, mạng xã hội cũng mang lại cơ hội kết nối, học hỏi và xây dựng cộng đồng. Trong bối cảnh hậu đại dịch, nơi nỗi cô đơn của giới trẻ trở thành mối lo ngại toàn cầu, mạng xã hội là cầu nối quan trọng để duy trì giao tiếp.

Do đó, việc cấm đoán tuyệt đối có thể chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa chạm đến gốc rễ của vấn đề. Kylea Tink, nhà lập pháp độc lập đại diện cho North Sydney, đã chỉ trích luật là "công cụ thô bạo" không nhắm trúng đối tượng gây hại chính là các công ty mạng xã hội.

“Họ sẽ không sửa ổ gà. Họ chỉ nói với bọn trẻ rằng sẽ không có ôtô nào trên đường cả”, bà ví von.

Nói với New York Times, Leo Puglisi, một thiếu niên 17 tuổi người Australia và điều hành trang tin tức 6 News cho rằng lệnh cấm toàn diện sẽ không có tác dụng mấy trong việc chống lại sự nguy hiểm của các nền tảng.

“Không có nội dung độc hại nào sẽ bị xóa. Nó chỉ đá quả bóng xuống đường và ném bạn xuống vực sâu ở tuổi 16. Trên giấy tờ thì nghe có vẻ hay nhưng thực tế lại không có tác dụng”, anh nói.

Các quốc gia đều đang theo dõi hiệu quả thực thi của luật mới. Ảnh: SBS News.

Trong khi Australia đang chuẩn bị triển khai lệnh cấm vào cuối năm 2025, nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu chú ý và cân nhắc các biện pháp kiểm soát tương tự.

Indonesia đang xem xét áp dụng lệnh cấm dựa trên độ tuổi như Australia. Malaysia từ ngày 1/1/2025 sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội có trên 8 triệu người dùng địa phương phải có giấy phép hoạt động. Singapore từ tháng 7/2023 đã áp dụng Bộ Quy tắc Thực hành An toàn Trực tuyến, yêu cầu các nền tảng hạn chế nội dung độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Quy định mới yêu cầu tất cả tài khoản mạng xã hội phải được xác thực bằng số điện thoại hoặc mã định danh cá nhân mới được phép đăng tải nội dung, bình luận, hoặc livestream. Với người dùng dưới 16 tuổi, việc đăng ký tài khoản sẽ phải thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ.

Theo Nikkei Asia, việc Australia triển khai luật thành công hay thất bại sẽ trở thành một bài kiểm tra dành cho các quốc gia trong khu vực châu Á. Nó sẽ làm lộ tính hiệu quả của các biện pháp xác minh độ tuổi, phản ứng hành vi của người dùng và sự sẵn lòng tuân thủ của các công ty mạng xã hội. Nếu đạt được những kết quả tích cực, luật này có thể trở thành mô hình cho các chính phủ khác áp dụng.

Nguồn: https://znews.vn/thay-gi-khi-australia-cam-mang-xa-hoi-cho-tre-duoi-16-tuoi-post1519554.html