Một sản phẩm hiếm hoi từng xuất hiện trên thị trường đấu giá là tấm tháp bình (đồ trang trí để bàn làm từ gỗ, ngọc hoặc đóng khung kính) bằng thanh bạch ngọc - loại ngọc có màu pha trộn giữa trắng và xanh nhạt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tấm tháp bình do Hòa Thân hạ lệnh chế tác nhằm lấy lòng nhà vua. Tác phẩm cao 28 cm, từng thuộc bộ sưu tập của vợ chồng James Leipner, người Mỹ. Một mặt chạm trổ thác nước, cây cối. Dưới bóng cây, hai cao sĩ trò chuyện với nhau.
Mặt còn lại hình thung lũng, khắc bài thơ về thiên nhiên, thần tiên mà Càn Long sáng tác năm 1764, với ý thơ: Trăm dòng thác đổ xuống từ trên mây, tuôn chảy nghìn trượng, rơi xuống dòng sông trước mắt. Ai người ngắm cảnh kỳ diệu đó, hẳn là vị tiên ở Đại Uyên.
Bài thơ của Càn Long được khắc trên ngọc. Ảnh: HK01
Sau bài thơ là dòng chữ "Thần Hòa Thân kính thư". Theo các nhà nghiên cứu, tấm tháp bình thể hiện sự khéo léo của viên quan trong ứng xử, làm đẹp lòng nhà vua. Hòa Thân biết Càn Long say mê ngọc, chọn khối ngọc lớn, tạo hình theo ý thơ vua tâm đắc.
Bấy giờ, Hòa Thân được trọng dụng bậc nhất trong triều đình. Ông thông minh tháo vát, tinh thông chữ Mãn, Hán và hiểu cả tiếng Mông Cổ, Tạng, thường viết sắc lệnh cho vua. Ngoài ra, Hòa Thân giỏi quan sát sắc mặt, hiểu tính cách Càn Long cùng sở thích, thói quen. Chẳng hạn, Càn Long thích du sơn ngoạn thủy, Hòa Thân xây các đình đài để nhà vua nghỉ khi ngắm cảnh.
Hình người, thác nước chạm trổ trên ngọc. Ảnh: HK01
Hòa Thân sinh ở tỉnh Phúc Kiến, mẹ mất từ năm ông ba tuổi, cha mắc bệnh qua đời năm ông chín tuổi. Hòa Thân và em trai được người giúp việc của gia đình và người vợ lẽ của cha cưu mang. Năm Càn Long thứ 34 (1769), Hòa Thân tham gia khoa cử nhưng không thi đỗ, sau đó vào cung làm thị vệ. Năm 23 tuổi, nhờ thể hiện được tài năng trước mặt Càn Long, Hòa Thân được tháp tùng hoàng đế.
Từ đó, chặng đường thăng quan tiến chức của Hòa Thân thuận lợi, trở thành đại thần, tham gia các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, tài chính. Ông thâu tóm quyền lực, nắm giữ khối tài sản đồ sộ.
Sau khi Càn Long băng hà, hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, lệnh Hòa Thân phụ trách tang lễ. Theo cuốn Thanh sử cảo , một thời gian sau, Gia Khánh công bố 12 tội danh của Hòa Thân, tịch thu tài sản. Thời Càn Long, mỗi năm triều đình thu thuế không quá 70 triệu lượng bạc nhưng tài sản Hòa Thân nắm giữ bằng 15 năm tổng thu thuế của triều đình. Vua Gia Khánh lệnh tử hình Hòa Thân song một số đại thần cho rằng ông là đại thần của Càn Long, nên đổi hình phạt thành ban chết trong ngục. Hòa Thân tự tử trong tù năm 1799.
Chân dung Càn Long (trái) và Hòa Thân. (Ảnh: The Value)