Tài chính

Cần lưu ý gì khi mua, bán ngoại tệ?

Mua bán ngoại tệ là nhu cầu phổ biến của cá nhân và tổ chức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính và quản lý nguồn lực ngoại hối quốc gia, pháp luật Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ về hoạt động này.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cả cá nhân và tổ chức đều được phép mua và bán ngoại tệ theo Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, giao dịch ngoại tệ phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.

Đối với cá nhân

Theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, cá nhân cư trú tại Việt Nam, có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho tặng, thừa kế và bán cho tổ chức tín dụng được phép. Ngoài ra, cá nhân cũng có thể chuyển hoặc mang ngoại tệ ra nước ngoài, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt được phép bán cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối 2005.

Ảnh minh họa: CafeF.

Đối với nhu cầu mua ngoại tệ của cá nhân, Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP cho phép người cư trú là công dân Việt Nam mua, chuyển và mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chính đáng như học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng, trả phí, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế, chuyển tiền khi định cư ở nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác.

Ngân hàng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân dựa trên nguồn ngoại tệ sẵn có và các giao dịch phải dựa trên nhu cầu thực tế và hợp lý. Người dân cần cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng từ liên quan đến giao dịch thực tế để việc mua ngoại tệ được thực hiện đúng mục đích và tuân thủ các quy định pháp luật.

Đối với tổ chức

Theo Điều 4 Thông tư 20/2022/TT-NHNN, tổ chức có nhu cầu bán ngoại tệ có thể mua, chuyển, và mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích sau:

Tài trợ, viện trợ: Đối với các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài, hoặc để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và các chương trình, quỹ, dự án nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế.

Trả thưởng và tài trợ: Đối với các trường hợp trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi tại Việt Nam, hoặc phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia các dự án nghiên cứu khoa học.

Theo Điều 6 Thông tư 20/2022/TT-NHNN, tổ chức có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài phải thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép. Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, ngân hàng có thể bán ngoại tệ cho tổ chức để chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích đã nêu.

Cá nhân, tổ chức được mua, bán bao nhiêu ngoại tệ?

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, đối với cá nhân, theo Điều 13 Thông tư 20/2022/TT-NHNN, mức ngoại tệ mà cá nhân có thể mua, chuyển, mang ra nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

Học tập và chữa bệnh: Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Trường hợp không có thông báo về các chi phí sinh hoạt và chi phí khác, các ngân hàng được phép quyết định mức mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài. Mức ngoại tệ này không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp sinh sống.

Theo đó, định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (WB) để làm cơ sở xác định mức ngoại tệ mua, chuyển cho mục đích trợ cấp thân nhân ở nước ngoài.

Công tác, du lịch, thăm viếng: Mức ngoại tệ do ngân hàng được phép quyết định dựa trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp sinh sống.

Trả phí, lệ phí: Mức ngoại tệ căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Trợ cấp nhân thân: Ngân hàng quyết định mức ngoại tệ trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt của người được trợ cấp ở nước ngoài. Mức này không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp sinh sống. Việc chuyển ngoại tệ cho thân nhân không áp dụng cho các trường hợp thân nhân đang học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Chuyển tiền thừa kế:Mức ngoại tệ căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật về thừa kế.

Chuyển tiền khi định cư ở nước ngoài: Mức ngoại tệ căn cứ vào giá trị tài sản của người đi định cư được hình thành tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài. Trường hợp thanh toán chi phí liên quan đến thủ tục xin định cư, mức ngoại tệ căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Trường hợp cá nhân đi qua cửa khẩu mang theo ngoại tệ tiền mặt quá 5.000 USD sẽ phải khai báo với hải quan cửa khẩu sân bay, bến cảng, cửa khẩu. Người mang ngoại tệ cần có giấy tờ hợp lệ của ngân hàng cấp đã bán ngoại tệ cho mang ngoại tệ theo và hộ chiếu du học sinh, visa, các giấy tờ tương đương; Nếu cơ sở đào tạo ở nước ngoài không thông báo cụ thể về mức sinh hoạt phí thì cung cấp thêm các giấy tờ khác chứng minh đang học tập ở cơ sở đào tạo ở nước ngoài và sẽ được chuyển theo hạn mức căn cứ vào quốc gia đến du học.

"Còn đối với tổ chức, theo Điều 8 Thông tư 20/2022/TT-NHNN, mức ngoại tệ mà tổ chức có thể bán, chuyển, mang ra nước ngoài được quy định: Mức ngoại tệ trong các trường hợp tài trợ, viện trợ căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan. Mức ngoại tệ cho các mục đích khác căn cứ vào giấy tờ, chứng từ có liên quan nhưng tối đa không vượt quá 50.000 USD hoặc các loại ngoại tệ có giá trị tương đương trong một lần chuyển tiền", Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.

TN/Theo VTC