Tài chính

Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu trong vài ngày tới

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc thêm 2 ngân hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức hôm nay (8/1/2025).

"Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, sau những biến cố, vụ việc xảy ra, hệ thống ngân hàng đã nhận diện được nhiều vấn đề, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đã đưa các quy định sửa đổi vào Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi theo hướng chủ động từ sớm, từ xa", Thống đốc cho biết thêm.

Trao đổi với báo chí hôm qua, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về việc chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém, bao gồm 1 ngân hàng mua lại 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Việc chuyển giao này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Trước đó, VPBank và HDBank đã nhiều lần công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Nhiều khả năng, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc GPBank còn HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc DongABank.

Vào ngày 17/10/2024, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng đã được hoàn tất chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào ngày 17/10.

Riêng về trường hợp SCB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, SCB có quy mô khá lớn. Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

“Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất“, Phó Thống đốc cho biết.

Trước đó, chia sẻ với Báo Đầu tư, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, xử lý ngân hàng yếu kém diễn ra chậm do đòi hỏi yêu cầu rất cao, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền nên quá trình, bước đi phải thận trọng. Việc xem xét lựa chọn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải được đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo các ngân hàng này có đủ khả năng tiếp nhận, không ảnh hưởng đến sức khỏe của ngân hàng đó cũng như an toàn hệ thống.

Trong khi đó, chia sẻ về hình thức M&A chưa từng có tiền lệ này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đây chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Từ 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc thì mới có hành lang pháp lý để thực hiện. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.

Sau hơn một thập kỷ tìm kiếm các giải pháp, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém vẫn phải dựa vào nguồn lực trong nước bởi với sức khỏe của các ngân hàng này, nhà đầu tư ngoại không mặn mà, chưa nói đến vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại với ngân hàng nội. Ngoài ra, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không chỉ nhìn từ góc độ lợi ích mà còn từ trách nhiệm của các ngân hàng trong nước với nhau. Theo đó, các ngân hàng nội tham gia “gánh vác” ngân hàng yếu một phần vì tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu lành mạnh hệ thống.