Từ giữa tháng 9 tới nay, các thương hiệu nhiều lần điều chỉnh giá thép, trong đó thép thanh vằn Hòa Phát tăng đến 460.000 đồng một tấn.
Cuối tuần trước, Hòa Phát (HPG) điều chỉnh giá bán thép xây dựng, lần thứ hai trong tháng 10. Cụ thể, thép cuộn CB240 và thép thanh văn D10 CB300 cùng nhích thêm 100.000 đồng lên lần lượt 13,58 và 13,79 triệu đồng một tấn. Riêng thép thanh vằn đã có lần thứ ba tăng giá liên tiếp từ giữa tháng 9 tới nay với biên độ 460.000 đồng một tấn.
Các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... cũng thay đổi giá từ đầu tháng. Tùy loại sẽ tăng thêm 100.000-170.000 đồng sau mỗi lần điều chỉnh, có loại tăng liên tục hai lần chỉ trong tuần trước.
Như vậy sau các đợt tăng giá gần đây, thép xây dựng đang được bán quanh 13,5-14 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt sau đó.
Dữ liệu từ nền tảng cung cấp giải pháp tài chính FinSuccess cho thấy các thương hiệu chiếm thị phần lớn trong ngành đều ghi nhận sự phục hồi về tiêu thụ. Sản lượng thép bán ra trong 8 tháng của Hòa Phát đạt hơn 1,05 triệu tấn, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kênh nội địa tăng gần 22,5% và xuất khẩu tăng gần 54%.
Thép Nam Kim (NKG) có lượng tiêu thụ hơn 621.400 tấn, tăng hơn 26%. Còn Tôn Đông Á (GDA) đạt hơn 588.300 tấn, tăng hơn 16%.
Ở mặt bằng chung, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê rằng sản xuất thép xây dựng trong 8 tháng năm nay đạt 7,8 triệu tấn, tăng 14% so với mức cùng kỳ. Bán hàng đạt 7,77 triệu tấn, tăng 15%. Trong đó, xuất khẩu ghi nhận mức 20,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,1 triệu tấn.
Đơn vị này cho rằng lượng hàng nội địa phục hồi, nhưng nhu cầu sử dụng thép nội địa vẫn ở mức thấp, không như kỳ vọng mùa xây dựng. Ngoài ra, việc cạnh tranh để bảo vệ thị phần giữa các nhà máy, gồm cả hàng nhập khẩu, khiến thị trường thêm khó khăn.
Dự báo về quý cuối năm, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng giá thép nội địa có thể phục hồi do áp lực từ Trung Quốc giảm và nhu cầu cải thiện. Cụ thể, sự phục hồi của giá thép Trung Quốc thu hẹp chênh lệch và làm giảm lợi thế về giá của thép nhập khẩu từ nước này. Về mặt nhu cầu, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trở thành động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa.
Kể từ quý IV, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng trong nước có thể phục hồi 5% so với mức đáy vào tháng 8. Theo ước tính của họ, giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD mỗi tấn (gần 14,2 triệu đồng). Sang năm 2025, thép xây dựng có thể tăng 7% cũng nhờ tăng trưởng nhu cầu và áp lực từ phía Trung Quốc giảm đi.