Trên khắp các nhà thờ từ Mexico đến Argentina, từ Philippines đến Hàn Quốc, tín đồ Công giáo trên toàn thế giới đang hướng về Vatican, cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis khi sức khỏe của ông đang trong tình trạng nguy kịch.
Ở tuổi 88, nhà lãnh đạo tinh thần của khoảng 1,4 tỉ tín đồ Công giáo toàn cầu (theo Britannica) hiện vẫn chưa qua được giai đoạn nguy hiểm. Ông đang được điều trị tích cực tại bệnh viện với chẩn đoán viêm phế quản, dẫn đến nhiễm trùng cả hai phổi.

Các tín đồ cầu mong ông sẽ vượt qua thời khắc khó khăn này, giống như tinh thần mạnh mẽ ông đã thể hiện trong suốt 11 năm cải cách giáo hội (2013-2024) với hơn năm văn kiện quan trọng thay đổi diện mạo của giáo hội Công giáo toàn cầu.
Những dấu ấn đặc biệt của Giáo hoàng Francis
Khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, ông Jorge Mario Bergoglio - tên thật của Giáo hoàng Francis - đã nổi tiếng với lối sống giản dị khi sống trong một căn hộ đơn sơ ở trung tâm thành phố thay vì dinh thự của tổng giám mục. Ông thường xuyên đi phương tiện công cộng thay vì xe riêng có tài xế.
Năm 2013, lịch sử giáo hội Công giáo chứng kiến một bước ngoặt khi lần đầu tiên một người từ Nam Mỹ và thuộc dòng Tên được bầu làm giáo hoàng. Cũng từ đó, Giáo hoàng Francis liên tục tạo ra những dấu ấn đặc biệt trong việc xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo trên thế giới.
Điều này được thể hiện rõ nét qua chuyến công du lịch sử của ông tới bán đảo Ả Rập năm 2019 - vùng đất được coi là cái nôi của đạo Hồi.
Tại Abu Dhabi, ông đã gặp gỡ Đại giáo chủ Ahmed al-Tayeb của thánh đường Al-Azhar ở Cairo - một trong những nhân vật có thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunni và chủ trì thánh lễ với sự tham dự của 180.000 người, phần lớn là những người nhập cư theo đạo Công giáo, theo Bách khoa toàn thư Britannica.
Năm 2023, ông tiếp tục tạo dấu ấn khi là giáo hoàng đầu tiên thăm Mông Cổ, quốc gia có 3,5 triệu dân nhưng chỉ có 1.500 người Công giáo.
Một trong những quyết định mang tính bước ngoặt nhất của Giáo hoàng Francis là việc cho phép ban phép lành cho các cặp đồng tính vào tháng 12-2023.
"Nếu một người đồng tính tìm đến Chúa với thiện chí, thì tôi là ai mà phán xét?" - câu nói gây tranh cãi này của Giáo hoàng Francis năm 2013 đã mở đường cho một quyết định mang tính bước ngoặt một thập niên sau đó.
Tháng 12-2023, Tòa thánh Vatican chính thức cho phép ban phép lành cho các cặp đồng tính. Quyết định này, được Bộ Giáo lý đức tin giải thích, không chỉ áp dụng cho các cặp đôi đồng tính mà còn cho cả những người đã ly dị và tái hôn.
Dù vậy, giáo hội vẫn giữ vững quan điểm không công nhận hôn nhân đồng giới trong giáo lý Công giáo.
Tinh thần cải cách của Giáo hoàng Francis còn thể hiện qua việc mở rộng vai trò của phụ nữ trong giáo hội. Theo Vatican News, tỉ lệ phụ nữ làm việc tại Vatican đã tăng từ 19,2% năm 2013 lên 23,4% năm 2023.
Gần đây nhất, quyết định bổ nhiệm nữ tu Raffaella Petrini vào vị trí chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng thành quốc Vatican và chủ tịch Phủ thống đốc thành quốc Vatican - các vị trí trước nay chỉ do các hồng y đảm nhiệm - một lần nữa khẳng định tầm nhìn cải cách của Giáo hoàng Francis.
Tiếng nói cân bằng
Trong hơn 11 năm lãnh đạo giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis đã để lại dấu ấn thông qua nhiều văn kiện quan trọng, phản ánh tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tôn giáo trước những thách thức của thời đại mới.
Năm 2015, thông qua thông điệp Laudato si' (Chăm sóc ngôi nhà chung), ông đã tuyên bố sự suy thoái môi trường là "một vấn đề đạo đức" do lòng tham và chủ nghĩa tư bản không kiểm soát.
Đặc biệt trong thông điệp này, Giáo hoàng đã kết nối những hành vi tội lỗi chống lại thiên nhiên với việc bóc lột kinh tế người nghèo và sự xúc phạm nhân quyền. Đây là lần đầu tiên một văn kiện của Giáo hoàng công nhận quyền của người bản địa và có tầm ảnh hưởng lớn đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tháng 12-2015.
Tinh thần quan tâm đến môi trường và người bản địa của Giáo hoàng Francis còn được thể hiện rõ nét khi ông triệu tập Thượng hội đồng giám mục đặc biệt về vùng Pan-Amazon vào tháng 10-2019. Sự kiện này không chỉ nhằm tìm ra con đường truyền giáo mới cho người bản địa mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng Amazon đối với sức khỏe của hành tinh.
Một năm sau, giữa thời điểm đại dịch COVID-19, ông tiếp tục thể hiện tầm nhìn về một thế giới bền vững hơn thông qua thông điệp Fratelli tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Văn kiện này lên án "văn hóa vứt bỏ" của thế giới và kêu gọi xây dựng "kiến trúc hòa bình" phục vụ lợi ích chung.
Gần đây nhất, trong thông điệp Dilexit nos ("Người đã yêu thương chúng ta") công bố tháng 10-2024, Giáo hoàng Francis tiếp tục thể hiện quan điểm cân bằng giữa truyền thống và hiện đại khi cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo.
Tinh thần này cũng được thể hiện qua lập trường của ông về các xung đột đương đại. "Đây là sự tàn ác, đây không phải là chiến tranh", Giáo hoàng đã thẳng thắn lên tiếng vào tháng 12-2024 về các cuộc không kích của Israel khiến nhiều trẻ em ở Gaza thiệt mạng. Phát biểu này một lần nữa khẳng định vai trò của ông như một tiếng nói quan trọng cho tinh thần phản chiến của thế giới.
Giáo hoàng trải qua đêm yên bình tại bệnh viện
Sáng 22-2 (giờ Vatican), Tòa thánh thông báo Giáo hoàng Francis đã có "một đêm yên bình" tại bệnh viện. Đây là cập nhật mới nhất sau những lo ngại về tình trạng sức khỏe của ngài. "Giáo hoàng đã nghỉ ngơi tốt trong đêm", Tòa thánh cho biết trong một thông báo ngắn vào sáng 22-2.
Cùng ngày, tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, Đức Tổng giám mục Rino Fisichella đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis với tinh thần "mạnh mẽ và nhiệt thành hơn".
Theo Kim Thoa - Nghi Vũ/tuoitre
Theo tuoitre