Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây dường như đang bị ám ảnh bởi sự xuất hiện bất ngờ của DeepSeek vào ngày 20/1, thì tranh cãi xung quanh TikTok vẫn chưa lắng xuống.
Theo bài viết trên Tạp chí East Asia Forum (Australia) của tác giả Marina Yue Zhang và Wanning Sun - hai chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), TikTok đang nổi lên như một “nhân vật trung tâm” trong cuộc cạnh tranh quyền lực kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc chiến pháp lý của TikTok đang diễn ra tại Mỹ làm nổi bật sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, kèm theo đó là lo ngại về an ninh quốc gia nổi lên liên quan đến công nghệ. Thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, TikTok đang nhận được "sự quan tâm sát sao".
Cuộc xung đột phản ánh những căng thẳng địa chính trị rộng hơn, khi các nền tảng kỹ thuật số ngày càng đóng vai trò là công cụ của sức mạnh mềm và ảnh hưởng. Tương lai của TikTok sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu, đặc biệt là về chủ quyền dữ liệu, quy định về nội dung và quan hệ công nghệ xuyên biên giới.
Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây dường như đang bị ám ảnh bởi sự xuất hiện bất ngờ của DeepSeek vào ngày 20/1, thì tranh cãi xung quanh TikTok vẫn chưa lắng xuống.
TikTok đã phải đối mặt với một trải nghiệm cận kề với khoảnh khắc “sinh tử” vào tháng 1/2025 sau khi Tòa án Tối cao Mỹ duy trì luật lưỡng đảng cấm nền tảng này tại Mỹ. Nhưng 12 giờ sau, một bài đăng trên mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "hồi sinh" nền tảng này. Việc cho rằng “TikTok đã có một khởi đầu đầy biến động trong năm mới” là một cách nói giảm nói tránh.
Biểu tượng ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại di động. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Vào ngày 20/1/2025, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chỉ thị cho Tổng chưởng lý hoãn lệnh cấm TikTok trong 75 ngày để chính quyền của ông có thời gian “xác định hướng đi phù hợp trong tương lai”.
Câu chuyện dường như vô tận về TikTok thể hiện sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đan xen trong các lĩnh vực công nghệ, địa chính trị và văn hóa. Việc TikTok đóng cửa trong thời gian ngắn và sau đó hồi sinh cho thấy chủ sở hữu nền tảng này, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời tìm cách điều chỉnh hướng đi trong bối cảnh ngày càng có nhiều những quy định quản lý phức tạp.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, các nhà lập pháp đã lo ngại rằng ByteDance có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu người dùng với các cơ quan quản lý Trung Quốc. Mối lo ngại như vậy đã dẫn đến một lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào năm 2020, trong đó yêu cầu TikTok phải được bán cho một công ty Mỹ, sau đó là những lời kêu gọi rộng rãi về việc giám sát chặt chẽ hơn, cấm hoạt động hoặc thoái vốn tại Mỹ, Australia và các quốc gia khác.
Để ứng phó với những lo ngại về các quy định kiểm soát, TikTok đã khởi xướng “Dự án Texas” vào năm 2021. Dự án trị giá 1,5 tỷ USD này bao gồm việc di chuyển và lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ do công ty Oracle có trụ sở tại Mỹ vận hành và thành lập một thực thể mới, TikTok US Data Security, để giám sát việc quản lý dữ liệu. Nhưng sự băn khoăn vẫn tồn tại ở các nhà lập pháp và cơ quan quản lý Mỹ.
Mối quan ngại xung quanh TikTok không chỉ giới hạn ở bảo mật dữ liệu và chủ quyền, mà chủ yếu xoay quanh quyền sở hữu của công ty. Các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành "sàn đấu" cho ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc và TikTok đã nổi lên như một công cụ mạnh mẽ để định hình dư luận và xu hướng văn hóa thịnh hành, đặc biệt là trong số người dùng trẻ tuổi.
Chặng đường nỗ lực vượt khó của TikTok vẫn chưa kết thúc. Mặc dù ông Trump đã hoãn lệnh cấm trong ba tháng để có thời gian tìm kiếm giải pháp, căng thẳng Mỹ-Trung khó có thể sớm được giải quyết, khiến TikTok tiếp tục trở thành điểm nóng.
Tranh cãi về TikTok đóng vai trò như một câu chuyện cảnh báo về những rủi ro liên quan đến các nền tảng do nước ngoài sở hữu đối với cơ sở hạ tầng quan trọng và truyền thông. Nhưng tranh cãi này cũng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và đối thoại quốc tế liên quan đến những vấn đề như chủ quyền dữ liệu, kiểm duyệt nội dung và quản lý các công nghệ mới nổi. Khi trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) và các công nghệ tiên tiến khác trở thành một phần không thể thiếu của những nền tảng như TikTok, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để đảm bảo các công cụ này được sử dụng một cách có trách nhiệm và có đạo đức, nếu không hệ sinh thái công nghệ toàn cầu sẽ bị phân mảnh.
TTXVN