Phân loại rác, đổ rác đúng quy định là ý thức và trách nhiệm của từng người, từng nhà, nhưng việc áp dụng chế tài, người dân cho rằng "thật mông lung".
Theo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Không thực hiện họ sẽ phải chịu mức phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên theo ghi nhận đến nay việc này hầu như chưa chuyển biến.
'Chúng tôi mong an toàn khi gom rác'
Theo chân đội công nhân xử lý rác thải sinh hoạt của Chi nhánh môi trường đô thị Gia Định (trực thuộc công ty TNHH MTV Môi Trường Đô thị TP.HCM) gom rác tại Chung cư Him Lam Phú An (phường Phước Long A - TP Thủ Đức), họ cho biết mọi việc không khác gì so với trước đây.
Phần việc của họ đều đặn từ 8h sáng là gom rác, chuyển rác từ các phòng để rác của từng tầng ở chung cư này theo thang máy chở hàng tập kết về một địa điểm rồi bắt đầu phân loại thành rác tái chế, rác nguy hiểm, cồng kềnh và rác hữu cơ. Sau khi phân loại xong thì phần rác hữu cơ, không tái chế sẽ cho vào máy nghiền.
Mọi việc phải đảm bảo xong trước 12h để hoàn thành việc rửa sạch, phơi khô các thùng đựng rác, kịp đưa trở lại phòng rác vào đầu giờ chiều.
Việc phân loại rác lâu nay gần như là nhiệm vụ của nhân viên vệ sinh, ít có sự chia sẻ của hộ gia đình. Ảnh: HL
Luôn tay phân loại rác cho vào từng thùng riêng, anh Lê Văn Bình cho biết lâu nay việc phân loại rác là của công nhân vệ sinh như anh chứ không phải của các hộ gia đình. Người dân gom toàn bộ rác thải ở nhà mình vào túi nylon, buộc lại rồi cho vào thùng rác. Ngày nào các túi rác được buộc gọn gàng, không rơi vãi ra ngoài là công nhân vệ sinh "mừng lắm rồi".
Chị Nguyễn Thị Lựu, công nhân vệ sinh làm việc 4 năm tại chung cư này, nói ban đầu mỗi phòng rác của từng tầng bố trí 3 thùng rác lớn và khu vực riêng dành để các loại rác nguy hiểm như chai lọ bể, rác cồng kềnh, thanh gỗ, cây sắt nhọn. Tuy nhiên, 3 thùng rác cuối cùng cũng chứa chỉ có một loại, vì bà con gom rác vào một túi, thùng này đầy họ cho vào thùng khác chứ không phân loại, không để từng loại rác vào từng thùng khác nhau.
Với các loại rác nguy hiểm, có người để riêng ra một góc và ghi chú. Tuy nhiên, cũng nhiều lần công nhân phân loại rác vướng phải mảnh sành và đủ các vật dụng sắc nhọn.
Chị Lưu không mong các gia đình phân chia rõ ràng các loại rác như hướng dẫn, mà chị hy vọng các gia đình phân rác thành 2 loại, là rác nguy hiểm và rác còn lại, để mỗi ngày những công nhân gom rác như chị làm việc yên tâm. Các loại đồ ăn thức uống thừa nếu không được gom riêng, vương vãi khắp nơi tuy khó chịu nhưng không gây nguy hiểm, nên chị không phàn nàn gì, vì tất cả cũng là rác.
Chị cho biết ở chung cư chật chội, nếu buộc người dân đặt 2-3 túi rác riêng thì sẽ rất khó chịu, bất tiện.
Không phải chung cư nào cũng thiết kế nơi chứa rác giống nhau. Tại chung cư Ehome1 (phường Phước Long B – Thủ Đức), rác được tập kết tại các họng rác ở 2 đầu block nhà. Ban quản lý dù hướng dẫn các hộ gia đình phân loại nhưng mấy năm nay không có kết quả. Tất cả rác, kể cả vật dụng nguy hiểm đều được dồn vào họng rác. Ban quản lý phải thường xuyên đi “giải cứu”, vì nhiều rác cồng kềnh cũng được dồn vào, gây tắc họng rác.
Ông Trần Minh Hóa, Trưởng Ban quản lý chung cư Ehome1, cho biết phường đã tuyên truyền các quy định về phân loại rác áp dụng từ đầu năm 2025, nhưng điều kiện như chung cư hiện nay việc phân loại rác rất khó thực hiện, vì chưa có chế tài. Nếu có chế tài cũng không đơn giản, bởi ai sẽ là người giám sát, thực thi. Chung cư có thể lắp camera giám sát, nhưng việc quản lý, thực thi chức năng này không phải của Ban quản lý chung cư.
Một số cư dân chung cư cho rằng, giao việc quản lý, giám sát phân loại rác cho Ban quản lý cũng không dễ thực hiện. Các khu để rác có thể lắp cammera, thùng đựng rác được đánh số thứ tự phân biệt, song các loại rác để chung túi tự hủy, cùng màu cũng là bài toán khó.
“Ví dụ tôi mang túi rác không phân loại bỏ vào thùng, những người khác có người giống tôi, có người phân loại nhưng túi rác cùng màu… thì không ai đủ thời gian, đủ kiên nhẫn để đi kiểm tra, phát hiện người nào sai mà xử phạt”, chị Hằng, cư dân Ehome 1 nói.
Rác thải hữu cơ, rác cồng kềnh, nguy hiểm đều gom chung vào một chỗ. Ảnh: H. L
Xử lý chuyện ứng xử đúng sai với rác thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng khu phố 26, phường Phước Long B, cho biết phường đã có thông tin, tuyên truyền về phân loại rác từ hơn một năm nay và đẩy mạnh từ nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, chế tài để xử phạt thì chưa cụ thể. Việc áp dụng chế tài để buộc người dân thực hiện phân loại rác cảm giác "rất mông lung".
“Vi phạm giao thông thì có công an chuyên trách, có luật rõ ràng. Còn không phân loại rác thì ai sẽ là người giám sát và xử lý. Tôi chưa thấy có hướng dẫn rõ ràng", bà Oanh cho biết.
Theo bà, nhiều hộ gia đình ở mặt tiền, vỉa hè bị tận dụng kinh doanh, rác phân loại xong buổi tối mang ra ngoài cũng để vào chung 1 thùng, trộn lẫn với các loại rác khác. Xe rác tới gom họ cũng quăng lên vội vàng.
Tình hình cũng tương tự khi bà đi vận động các gia đình khác ở nhiều khu dân cư mới khang trang hơn xung quanh, như Khang Điền, An Thiên Lý, Gia Hòa… thuộc khu phố 26. Không nhiều người chịu khó phân loại rác, vài người thực hiện xong họ nhìn cách nhân viên thu gom rác thì nản theo.
Bà Kim Oanh cho biết đang góp ý với phường Phước Long B thực hiện trước với các khu chung cư, bằng cách lắp camera giám sát, vì lợi thế chung cư là tập trung. Theo bà, nếu có chế tài và quyết liệt thực hiện thì hy vọng có thể giám sát được để việc phân loại rác được thực hiện đúng.
“Sắp tới địa phương sẽ thu phí vận chuyển rác về nguồn chính, tiến đến triển khai phân loại rác đồng bộ từ xe gom rác. Khi triển khai chắc chắn sẽ có bất cập. Tôi tin quyết tâm và nghiêm túc thực hiện thì sẽ làm được. Trước mắt chúng ta nên làm thí điểm ở các khu vực nhỏ để có kết quả rồi nhân rộng”, bà Kim Oanh nói.
Cán bộ khu phố này nói rằng bà nhìn thấy việc thành công với phân loại rác “khó như hái sao”, điều này phụ thuộc vào ý thức người dân. Kỳ vọng người dân tự giác thực hiện và tạo thành thói quen chứ không phải áp dụng chế tài xử phạt, vì sẽ không có cán bộ nào đi theo “canh” người dân để xử lý chuyện ứng xử đúng hay sai với rác.
T.N (theo VTC)