Cây dành dành là dược liệu y học cổ truyền quý hiếm, vậy quả dành dành có tác dụng gì với sức khoẻ?
Báo Lao động dẫn nguồn cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, dành dành là một trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.
Thông tin về cây dành dành
Dành dành có tên gọi khác là Chi tử. Tên khoa học: Gardenia augusta (L.) Merr. Họ thực vật: Cà phê- Rubiaceae. Dành dành có đặc điểm hình thái là cây bụi phân cành nhiều, cao 1-2m, phần thân và cành già có vỏ màu nâu, nứt nẻ; cành non nhẵn.
Lá có cuống ngắn, mọc đối hay vòng 3; phiến lá hình mác, thuôn dần về gốc, đầu tù, nhẵn cả 2 mặt, kích thước 5-9 x 2-3 cm. Lá kèm gần hình ống, mỏng.
Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng và mùi thơm. Đài 6 cánh tồn tại cùng quả. Tràng hoa hình ống, đầu xẻ thành 6 cánh hoa hình mác ngược. Nhị 6 đính ở miệng ống tràng; bầu thuôn.
Quả hình trứng đều, có 6 gờ dọc, khi chín màu vàng, cơm quả màu đỏ. Hạt dẹt, nhiều, màu vàng. Một số loài Dành dành khác (Gardenia annamensis Pitard; G. obtusifolia Roxb. ex Kurz; G. stenophylla Merr...) cũng được dùng.
Mùa hoa quả: Hoa tháng 3 - 5; Quả tháng 7 - 9.
Mùa thu hái vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, khi quả già bắt đầu chín vàng.
Cách thu hái: Hái cả quả, đem về ủ cho chín đều, sau dùng dao tách bỏ vỏ, lấy khối hạt đem phơi hay sấy khô (ở 50 - 60°C). Có trường hợp phơi quả còn cả vỏ, khi dùng mới tách bỏ vỏ.
Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, cây vốn phân bố tự nhiên rải rác ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra, nhưng nay được trồng ở nhiều nơi khác nhau.
Trên thế giới, dành dành có ở Nam Trung Quốc, Lào và Campuchia. Cây ưa ẩm và ưa sáng. Trong tự nhiên, loài này thường mọc lẫn với các cây bụi nhỏ ở ven bờ ao, bờ kênh rạch, lùm bụi quanh làng hay ở ven đồi cây 28 bụi.
Quả dành dành có tác dụng gì?
Chi tử (Fructus Gardeniae) là quả dành dành chín phơi hay sấy khô. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, dành dành để sống có tác dụng thanh nhiệt (chữa sốt), sao vàng để tả hỏa (nóng trong người), sao đen để cầm máu.
Trong dành dành có một glucozid màu vàng gọi là gardenin. Khi thủy phân, cho phần không đường gọi là gardenidin. Ngoài ra, trong dành dành còn có tanin, tinh dầu, chất pectin.
Dành dành là vị thuốc được dùng từ lâu trong Đông y. Theo các tài liệu cổ, quả dành dành có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh tâm, phế và tam tiêu, tác dụng thanh nhiệt (chữa sốt), tả hỏa, lợi tiểu, cầm máu; dùng trong bệnh sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu.
Ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài ra, dành dành còn dùng làm thuốc đắp lên những nơi sưng đau do bị tổn thương; giã nát, thêm ít nước rồi đắp lên nơi sưng đau.
Màu vàng của dành dành không độc, nhân dân ta vẫn dùng nhuộm thức ăn như bánh xu xê, thạch, nấu xôi.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Quả dành dành có tác dụng gì?". Dành dành chính là loại dược liệu phổ biến của Đông y với khả năng chữa trị nhiều loại chứng bệnh khác nhau để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn muốn sử dụng dành dành với mục đích chữa bệnh cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi dùng.