Lifestyle

Nên Thắp hương vào giờ nào trong ngày?

Thắp hương vào giờ nào trong ngày mới phù hợp với truyền thống là băn khoăn của rất nhiều người khi thực hiện các nghi lễ thờ cúng tại nhà.

Thắp hương là nghi thức không thể thiếu trong mọi nghi lễ thờ cúng của người Việt Nam. Các gia đình thường thắp hương vào các dịp lễ Tết, cúng giỗ, mùng 1, ngày rằm, khi có các sự kiện quan trọng hoặc các nghi lễ tâm linh khác. Khói hương là kênh liên lạc, giúp kết nối gia chủ với tổ tiên, thần linh, từ đó giúp họ bày tỏ lòng thành kính, tri ân hoặc chuyển tải những mong muốn, nguyện vọng của mình.

Trong việc thực hiện nghi thức này, nhiều người bày tỏ băn khoăn không biết nên thắp hương vào giờ nào trong ngày mới đúng lễ, phù hợp với truyền thống.

Buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất để thắp hương . (Hình từ internet)

Thắp hương vào giờ nào trong ngày?

Các cụ xưa không nêu quy định phải thắp hương chính xác vào giờ nào trong ngày, tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để thắp hương theo truyền thống của người Việt là sáng sớm (trong khoảng từ 6h đến 9h) bởi buổi sáng là lúc khởi đầu ngày mới, khí trời trong lành, đảm bảo sự thanh tịnh và các nguồn năng lượng tốt. 

Buổi sáng cũng là thời điểm dương khí đang lên, đây là khoảng thời gian vàng trong ngày.

Thực tế, việc thắp hương vào giờ nào còn tuỳ thuộc vào nếp sống cũng như điều kiện của từng gia đình. Việc thắp hương vào buổi trưa (trước 12h) hoặc chiều tối (trước 19h) cũng không phạm điều cấm kỵ gì.

Ngoài ra, khi con người có nhu cầu giao tiếp với thần linh hay thân nhân đã khuất, chẳng hạn muốn cầu nguyện điều gì đó, muốn báo cáo những sự kiện mới trong gia đình hay đơn giản là bộc bạch tâm sự, tìm cảm giác bình yên hay được an ủi, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày họ đều có thể thắp nén hương để bày tỏ lòng mình. 

Tuy nhiên, trong năm có hai ngày lễ cần hoàn thành việc thắp hương trước 12h là ngày rằm tháng 7 và lễ cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Theo quan niệm dân gian, trong ngày rằm tháng 7, sau giờ Ngọ (12h), cánh cửa âm dương sẽ đóng lại, nếu thắp hương sau giờ đó thì người ở thế giới bên kia sẽ không nhận được đồ cúng tế. Tương tự, ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ rời hạ giới để lên Thiên đình báo cáo Ngọc hoàng, các gia đình cần thắp hương cúng lễ trước 12h để ngài kịp lên đường.

Các lưu ý khi thắp hương

Thắp hương phải thể hiện sự thành kính và tránh phạm vào các điều không tốt. (Hình từ internet)

Theo quan niệm dân gian, khi thắp hương, mọi người cần lưu ý một số điều để đảm bảo an toàn cũng như thể hiện sự thành kính, tránh phạm vào những điều kiêng kỵ:

- Tránh thắp số nén hương là số chẵn: Nhường thắp số lẻ, phổ biến với 1 hoặc 3 nén hương vì số lẻ thuộc dương. Việc chọn số mang tính dương trong thờ cúng mang ý nghĩa tạo sự cân bằng, hài hòa âm dương, từ đó mang lại sự may mắn, thuận lợi.

- Không nên thắp hương khi đang tức giận, lo lắng hoặc có suy nghĩ tiêu cực. Tâm không thanh tịnh sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc cúng lễ.

- Tránh để hương bị tắt giữa chừng; hãy kiểm tra kỹ hương trước khi thắp để tránh gió hoặc ẩm làm tắt hương. 

- Tránh mặc quần áo hở hang, không chỉnh tề hoặc quá sặc sỡ khi thắp hương. Nên ăn mặc lịch sự, gọn gàng.

- Không nên nói chuyện lớn tiếng, cười đùa hoặc có thái độ thiếu nghiêm túc khi thắp hương. Điều này thể hiện sự bất kính.

- Hương phải được cắm thẳng và chắc chắn trong bát hương. Cắm nghiêng hoặc lung lay có thể bị coi là không thành tâm.

- Tránh di chuyển, xê dịch hoặc chạm tay vào bát hương trừ khi cần lau dọn bàn thờ vào những dịp đặc biệt.

- Trước khi thắp hương, cần lau dọn bàn thờ sạch sẽ, thay nước và kiểm tra lễ vật đầy đủ.

- Nên mở cửa khi thắp hương, điều này tượng trưng cho việc mở cửa đón các bậc tiền nhân về nhà.

- Không nên thắp quá nhiều hương vì khói hương độc hại sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, việc thắp quá nhiều hương cũng có thể gây nguy cơ cháy nổ. Cần chú ý tránh lửa cuốn tàn hương gây cháy, đảm bảo khi hết hương mới ra khỏi nhà.