Trong cuộc sống hàng ngày, bạn là người độc thân và cũng có nhiều người xung quanh, gồm bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên của họ thường là vợ/chồng, con cái, công việc. Thậm chí, với người có gia đình, bạn có thể xếp sau người trông trẻ hoặc thợ sửa ống nước.
Khi còn trẻ, sự thiếu thốn của người độc thân có thể không rõ ràng bởi được bao quanh bởi những người cùng cảnh ngộ khác. Họ nói với nhau "Chúng ta mãi là bạn thân". Nhưng thời gian trôi đi, ngày càng nhiều người tìm thấy "số một" của họ. Bạn sẽ tụt hạng, thậm chí rời danh sách ưu tiên.
Chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc khi biết có người thức dậy và tự hỏi bạn thế nào hoặc nghĩ đến bạn trước khi lên kế hoạch cho mọi việc. Khi bạn gặp khó khăn, việc biết có người luôn sẵn sàng coi bạn là "số một" sẽ tiếp thêm rất nhiều động lực.
Thật thoải mái khi có người muốn nghe hoặc làm nhiều thứ đầu tiên cùng bạn. Tương tự khi người đó làm và trải nghiệm điều quan trọng, bạn sẽ là người biết đầu tiên.
Không thể phủ nhận cảm giác "được là số một của ai đó" khiến chúng ta hạnh phúc.
Nếu bạn còn độc thân, giải quyết sự thiếu thốn này như thế nào?
Tiến sĩ Y khoa Bruce Y. Lee, phó giáo sư của trường Y tế công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), lưu ý "trở thành số một của ai đó" không phải lúc nào cũng tốt.
Thứ nhất, trong một mối quan hệ tồi tệ, bạn có thể là mục tiêu đầu tiên bị thao túng. Người đó có thể thức dậy mỗi ngày và nghĩ đến bạn đầu tiên theo cách của một nhân vật phản diện.
Thêm vào đó, đòi hỏi luôn là duy nhất của ai đó có thể trở nên hơi quá ảo tưởng. Thay vì luôn gắn kết hoàn toàn như một, một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi sự cân bằng hợp lý giữa việc có cuộc sống chung và "khoảng trời riêng".
Thứ hai, ngay cả trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn vẫn có thể không phải ưu tiên số một. Người số một có thể là anh thợ sửa điện khi hệ thống trong nhà trục trặc. Nó cũng có thể là thứ gì đó như công việc hay ván game đang chơi dở.
Ngay cả khi không có ai khác, bạn vẫn có thể tụt xuống vị trí thứ năm trong danh sách ưu tiên. Chẳng hạn sau khi có con, đa số các cặp vợ chồng cho biết họ không còn là ưu tiên của nhau nữa.
Mối quan hệ càng kéo dài, khả năng bạn gặp phải những giai đoạn không được ưu tiên càng lớn. Không có mối quan hệ nào luôn suôn sẻ. Một số cuộc hôn nhân tốt nhất có thể trải qua những giai đoạn mà cả hai thậm chí không muốn tương tác.
Mọi người có thể chán nhau hoặc trải qua những giai đoạn mà các ưu tiên khác chiếm ưu thế, chẳng hạn như khi một thành viên trong gia đình bị bệnh.
Thứ ba, nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là trở thành số một của bất kỳ ai rất dễ dàng. Cái khó là tìm được một người mà bạn cũng muốn đặt họ lên vị trí số một. Một mối quan hệ không cân bằng có thể dẫn đến cảm giác oán giận và tội lỗi.
Độc thân nhưng quan hệ tốt với người xung quanh có lợi hơn rất nhiều so với có một mối quan hệ lãng mạn nhưng tồi tệ. Độc thân cũng giúp bạn tự do, thêm cơ hội phát triển bản thân và làm điều mong muốn.
Hãy đảm bảo rằng bạn đang "đặt mình lên vị trí số một". Đó là vị trí số một theo cách phù hợp, không phải theo kiểu tự luyến. Biết cách làm cho mình hạnh phúc là điều quan trọng. "Đừng phụ thuộc vào người khác để đặt mình lên vị trí số một", tiến sĩ Bruce Y. Lee nói.
Ngoài ra, hãy xây dựng một mạng lưới bạn bè. Dù mỗi người trong số họ không thể đặt bạn lên hàng đầu mọi lúc, nhưng họ có thể cùng nhau làm như vậy. Bạn giữ cho mọi người kết nối, là người quan trọng nhất trong mạng lưới đó. Trở thành một người biết cho đi, bạn sẽ không bao giờ biết được mình có thể xếp hạng cao như thế nào trong trái tim của những người khác.
Thỉnh thoảng bạn thấy chán nản vì không phải số một của người khác là bình thường. Nhưng đừng so sánh hoàn cảnh độc thân của bạn với hoàn cảnh lý tưởng dành cho mình. Điều đó cũng giống như so sánh thu nhập của bạn với tỷ phú Elon Musk.
Ngoài ra, hãy nhớ không có gì là miễn phí. Cần rất nhiều công sức để xây dựng và duy trì bất kỳ mối quan hệ nào khiến bạn cảm thấy mình là số một.
(Theo Psychology Today)