Tân tổng thống Mỹ Donald Trump chưa áp thuế tức thời với hàng nhập khẩu nhưng đã ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang rà soát, nghiên cứu một loạt vấn đề thương mại.
Theo bài phân tích trên tờ New York Times, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ để ngỏ mọi khả năng về thương mại, trong đó có cả động thái áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico.
Ông Trump chưa áp thuế tức thời với hàng nhập khẩu trong ngày nhậm chức 20/1, nhưng đã ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang rà soát, nghiên cứu một loạt vấn đề thương mại mà kết cục cuối cùng có thể sẽ dẫn đến việc áp thuế với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada, Mexico và nhiều nước khác trong những tháng tới.
Quyết định trên cho thấy ông Trump lựa chọn cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc thực thi các cam kết tranh cử then chốt về sử dụng thuế để thiết lập lại các quan hệ thương mại của Mỹ. Điều này cũng giúp trì hoãn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, những cuộc chiến thương mại với nhiều nước – những nước cam kết sẽ đáp lại bằng việc áp thuế tương tự.
Chủ đề mà ông Trump chỉ đạo quan chức thuộc quyền rà soát theo sắc lệnh hành pháp ngày 20/1 rất rộng, trong đó có thâm hụt thương mại, các thỏa thuận thương mại Mỹ ký với Trung Quốc, Canada và Mexico. Kết quả điều tra sẽ là tiền đề để tân Tổng thống Mỹ triển khai áp thuế đối với một loạt quốc gia với lý do khác nhau, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, kích hoạt các cuộc chiến thương mại trong vài tuần hoặc vài tháng sắp tới.
Sắc lệnh chỉ đạo cơ quan liên bang rà soát hành vi thương mại và tiền tệ bất bình đẳng, trả lời chính xác câu hỏi các chính phủ nước ngoài có tuân thủ thỏa thuận trước đây hay không, cụ thể là Thỏa thuận Thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc và Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) – đều được ký kết năm 2020 dưới thời ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ trong nhiệm kỳ đầu.
Sắc lệnh cũng yêu cầu chính phủ nghiên cứu tính khả thi của việc thiết lập cơ quan liên bang mới có tên gọi “Sở Thuế Nước ngoài” (ERS - External Revenue Service), chịu trách nhiệm thu các loại thuế xuất nhập khẩu và những nguồn thu khác từ nước ngoài.
Tân Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu nghiên cứu lại điều luật thuế mà Mỹ áp dụng vì lý do an ninh quốc gia, cũng như việc sử dụng khoản miễn trừ thuế có tên gọi “miễn trừ de minimis” - chuyên về miễn thuế đối với các lô hàng giá trị nhỏ nhập khẩu vào Mỹ. Đây chính là kẽ hở cho phép một lượng hàng lớn từ Trung Quốc né thuế trừng phạt mà ông Trump đã dựng lên trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Trump đã quyết định hãm phanh áp thuế ở thời điểm hiện tại. Nhưng các cố vấn cho biết tổng thống Mỹ vẫn kiên định hơn bao giờ hết về luận điểm có thể sử dụng thuế trừng phạt để tạo ưu thế lớn. Tân Tổng thống Mỹ và đội ngũ cố vấn lâu nay ủng hộ việc kết hợp loạt chính sách, từ áp thuế phổ quát với mọi hàng nhập khẩu từ nước ngoài, áp thuế cao với hàng Trung Quốc cho tới những giải pháp riêng biệt giúp xử lý quan hệ thương mại với Mexico và Canada bằng việc áp thuế với hai nước này.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ “ngay lập tức cải tổ hệ thống thương mại của Mỹ để bảo vệ người lao động và các gia đình Mỹ”. Theo ông, với việc áp thuế, sẽ có một lượng tiền lớn đổ vào ngân khố Mỹ và “giấc mơ Mỹ sẽ sớm quay trở lại, thịnh vượng hơn bao giờ hết”. Trước đó, ông là người thường xuyên ca ngợi thuế, coi đây là công cụ đủ sức trợ giúp các nhà máy tại Mỹ, tăng nguồn thu để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách từ cắt giảm thuế nội địa mà ông kỳ vọng sẽ triển khai, đồng thời cũng là yếu tố tạo ưu thế trong đàm phán với nước ngoài.
Xét về kỹ thuật, quản trị thương mại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng nhiều đạo luật thương mại lại trao cho Tổng thống Mỹ quyền hành động rộng rãi về áp thuế. Tổng thống Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, đáp trả hành vi thương mại bất bình đẳng hay ứng phó với các tình huống khẩn cấp quốc tế thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nguồn thạo tin ẩn danh cho biết ông Trump và đội ngũ cố vấn vẫn đang trong tiến trình thảo luận về cách thức tốt nhất để sử dụng trừng phạt thuế, nhưng tất cả đều tin rằng hành pháp đủ thẩm quyền pháp lý trong vấn đề này.
Một số nhà máy, cơ sở chế tạo tại Mỹ đánh giá cao biện pháp áp thuế được ông Trump công bố trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên và được người kế nhiệm Joe Biden tiếp tục duy trì. Nó có tác dụng hỗ trợ những doanh nghiệp tồn tại giữa cạnh tranh gay gắt đến từ các nước. Nhưng các chuyên gia kinh tế và bộ phận doanh nghiệp khác lại nhìn nhận thuế có thể gây hại về kinh tế thông qua việc tăng giá hàng hóa nhập khẩu và kích hoạt đáp trả từ những chính phủ khác, làm tổn hại đến xuất khẩu của Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump sẽ khiến nhiều chính phủ nước ngoài đứng ngồi không yên trong nhiều tuần tới. Giới chức Canada đã lên danh sách sản phẩm hàng hóa Mỹ dự kiến bị áp thuế nếu ông Trump thực hiện đánh thuế 25% với hàng hóa nước này. Trong danh sách còn có nước cam xuất xứ từ Florida, rượu whisky Tennessee và bơ Kentucky. Mexico cũng cảnh báo sẽ đáp trả thuế với hàng xuất khẩu của Mỹ. châu Âu và nhiều chính phủ khác cũng tuyên bố tương tự.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã gây rúng động toàn cầu khi áp thuế với mặt hàng máy giặt, tầm pin Mặt trời, kim loại và loạt sản phẩm khác từ Trung Quốc. Thuế nhập khẩu tăng gần gấp đôi, dù sắc thuế này vẫn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.
Giới chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại về kế hoạch mở rộng áp thuế của ông Trump. Theo họ, thuế có thể hỗ trợ bảo vệ nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ, nhưng cũng sẽ gây tác hại với nền kinh tế, nổi bật là làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp và hộ gia đình vốn phải dựa nhiều vào hàng nhập khẩu.
TTXVN