Đố vui - Giải đáp

Vị quan nào 80 tuổi vẫn xin vua cầm quân ra trận đánh giặc?

Ông là nhà quân sự, kinh tế và nhà thơ lỗi lạc với nhiều đóng góp to lớn cho nước nhà thời kỳ phong kiến.

Người được nhắc đến chính là Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - nhân vật kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX.

Theo sử liệu, Nguyễn Công Trứ là người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ bé dù sống trong nghèo khó nhưng ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, tài thơ văn và thể hiện mình là người đầy cá tính.

Tuy nhiên con đường khoa cử của ông lại khá lận đận. Mãi đến năm 41 tuổi, ông mới đậu Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương). 

Nguyễn Công Trứ làm quan qua các 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nổi tiếng là thanh liêm, tài trí hơn người, làm đến chức thượng thư, tổng đốc nhưng kỳ lạ thay, đường quan lộ của ông khá thăng trầm. Ông nhiều lần được thăng chức nhưng cũng từng bị giáng liền ba bốn cấp. Mức phạt nặng nhất là án “trảm giam hậu” (tử hình tạm giam năm 1841), đuổi đi làm lính (1843).

Tranh vẽ Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Dù là quan văn nhưng Nguyễn Công Trứ giỏi ổn định trật tự, có tài dẹp loạn, nhiều lần cầm quân ra trận đánh đâu thắng đó. Như năm 1827 ông dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách, tiễu trừ cướp biển vùng Đông Bắc, góp nhiều công lớn trong cuộc chiến tranh Việt - Xiêm (1841-1845).

Trên cương vị Doanh điền sứ, ông chiêu mộ dân nghèo, quai đê lấn biển, khai hoang lập ấp. Ông là người khai sinh các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). Đền thờ của ông ở hai huyện này còn lớn hơn ở quê nhà Nghi Xuân. Nhiều làng còn tôn ông là Thành hoàng.

Ngoài việc khai khẩn đất đai, Nguyễn Công Trứ còn chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân, đề nghị "đặt nhà học" cho con em nhân dân, "đặt xã thương" ở các làng để quản lý thóc gạo và rất nhiều công việc khác nhằm đảm bảo cuộc sống cho dân.

Nguyễn Công Trứ cũng là nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Với tài năng và là người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, ông thấu hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời và đã đưa những suy ngẫm của mình vào thơ ca, thể hiện khí phách ngang tàng, tài hoa. Thơ ca ông xoay quanh các chủ đề như chí nam nhi, cảnh nghèo và thế thái nhân tình hay triết lý hưởng lạc.

Ngày nay nói đến Nguyễn Công Trứ, nhiều người có thể đọc vanh vách những bài thơ nổi tiếng của ông như: Chí nam nhi, Chí làm trai, Cây thông, Bỡn nhân tình, Kẻ sĩ, Hàn nho phong vị phú… Ông cũng là tác giả của nhiều bài ca trù nổi tiếng, được hậu thế xưng tụng là “ông hoàng hát nói”.

Mang tinh thần hành động của kẻ sĩ chân chính, Nguyễn Công Trứ đời nguyện vì nước vì dân. Vào năm 1847, ở tuổi 70, ông xin về hưu nhưng vua Thiệu Trị không cho. Đến năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, ông mới được về hưu hẳn.

Thế nhưng, đến năm Mậu Ngọ (1858), khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, tuy đã 80 tuổi, Nguyễn Công Trứ vẫn tha thiết xin vua Tự Đức được tòng quân đi đánh giặc. Nhưng thấy ông tuổi già sức yếu, vua không chuẩn y.

TN (theo VTC)