Các sử gia đánh giá, vị quan này là một trong những người liêm khiết nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Ông chính là Trần Thì Kiến (1260 - 1330) người huyện Đông Triều, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Trước khi ra làm quan, ông là môn khách của Trần Quốc Tuấn. Sau khi được Hưng Đạo Vương tiến cử, vua Trần Nhân Tông tin dùng, bổ nhiệm ông vào nhiều vị trí khách nhau, trong đó có chức An phủ sứ Thiên Trường (Nam Định). Đó là đặc ân với Trần Thì Kiến, bởi theo quy định nhà Trần, chỉ những người được triều đình đặc biệt tin cậy, là hoàng thân quốc thích mới cho giữ chức An phủ sứ Thiên Trường.
Theo sử sách, Trần Thì Kiến là người am hiểu về kinh dịch. Trước khi quân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1284-1285) và thứ ba (1287-1288), ông dự đoán chính xác kết quả thắng lợi của chiến tranh.
Vốn là người công minh chính trực, lại có biệt tài xử án, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Trần, như: Kiểm pháp quan kiêm chức Đại An phủ sứ Kinh sư, Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu, Tả bộc xạ...
Khi đang làm An phủ sứ Thiên Trường, có người đem biếu ông mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần nên đem biếu chứ không có ý gì khác.
Tuy nhiên, ngày hôm sau khi biếu mâm cỗ lại có việc đến kêu xin, nhờ vả. Khi người ấy trình bày việc vừa dứt, quan Thì Kiến liền móc họng mửa ra, ý là trả cỗ hôm trước không nhận, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám đến nhờ cậy nữa.
Nhờ đức tính thanh liêm, ông được vua Trần Anh Tông thăng làm Kiểm pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, ông dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó. Vì thế, người đương thời đều khen ông là giỏi xét đoán kiện tụng, vì như Bao Công.
Sử gia Ngô Sĩ Liên khi nói về trường hợp của Trần Thì Kiến, cũng tấm tắc khen: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy”.