Bất chấp can ngăn từ các cố vấn, ông Trump quyết đề cử Kash Patel làm giám đốc FBI, dù ứng viên này vấp nhiều hoài nghi vì quan điểm gây tranh cãi.
Kash Patel tại cuộc vận động ở Minden, bang Nevada ngày 8/10 ( Ảnh: AP)
Trong bài đăng mạng xã hội Truth Social cuối tháng trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử Kash Patel, một trong những đồng minh trung thành nhất của ông, làm giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Patel từng nhiều lần chỉ trích FBI. Ông Trump hy vọng lựa chọn của ông sẽ là bước đi hiệu quả trong kế hoạch hứa hẹn từ lâu về cải tổ các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo quốc gia. Thông báo này không chỉ báo hiệu Tổng thống đắc cử sẽ sa thải giám đốc FBI đương nhiệm Christopher Wray, mà còn cho thấy ông sẽ tìm cách trao quyền cho một người gây nhiều tranh cãi trong chính đảng Cộng hòa.
Chưa đầy 24h sau khi ông Trump tuyên bố đề cử Patel, đã có những dấu hiệu cho thấy ứng viên lãnh đạo FBI khó giành được cái gật đầu của nhiều thành viên Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, thành viên đảng Cộng hòa ở bang Iowa, nói trên X rằng "đã đến lúc vạch lộ trình mới" cho FBI, nhưng chưa ủng hộ Patel cho đến khi ứng viên này chứng minh được với quốc hội "sẽ cải cách và khôi phục niềm tin của công chúng vào FBI".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa ở bang Nam Dakota Mike Rounds cho rằng Thượng viện sẽ không thông qua đề cử Patel. Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc thay thế Wray trước khi kết thúc nhiệm kỳ 10 năm, vốn được quy định để bảo vệ FBI khỏi các áp lực chính trị khi chính quyền thay đổi.
Theo truyền thống, các tổng thống cho phép giám đốc đương nhiệm phục vụ hết nhiệm kỳ trước khi chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, ông Trump cũng từng sa thải James Comey năm 2017 trước khi nhiệm kỳ của giám đốc FBI hết hạn và chọn Wray thay thế.
"Tổng thống đắc cử muốn sa thải người vốn do chính mình bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu, thay thế ông ấy bằng một người trung thành nhưng không đủ tiêu chuẩn", Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin, thành viên đảng Dân chủ, nói.
Kash Patel, 44 tuổi, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là luật sư bào chữa liên bang, sau đó là công tố viên liên bang chuyên xử lý các vụ án an ninh quốc gia. Ông từng là quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, cố vấn cấp cao cho quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia, chánh văn phòng của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Một số cố vấn cấp cao của ông Trump đánh giá Patel thiếu kinh nghiệm phù hợp cho công việc và có nhiều lập trường gây tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng Patel thiếu kinh nghiệm quản lý và không nắm vững cách thức hoạt động của FBI.
Patel từng tuyên bố muốn cắt giảm bộ máy của FBI, đóng cửa trụ sở ở Washington, truy tố đặc vụ mà ông coi là "thối nát" và có hành động pháp lý đối với những nhà báo mà ông cáo buộc "phản quốc". Đây là những quan điểm được cho rất khác biệt so với những người từng đảm nhận vị trí này.
"Ông ấy hoàn toàn không đủ khả năng đảm nhận công việc này. Ông ấy không đáng tin", Charles Kupperman, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump và từng làm việc với Patel, nói.
Một số cố vấn từng gợi ý cho ông Trump những ứng viên khác như cựu giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ Mark Morgan hay Chris Swecker, người từng làm việc cho FBI suốt 24 năm và đảm nhận nhiều vai trò cấp cao. Tuy nhiên, ông Trump đã chọn Patel.
Ông Trump từ lâu cân nhắc Patel cho các vị trí an ninh quốc gia và tình báo hàng đầu. Trong nhiệm kỳ đầu, ông từng thúc đẩy ý tưởng bổ nhiệm Patel làm phó giám đốc FBI.
Cựu bộ trưởng tư pháp William Barr từng kể trong hồi ký rằng ông đã nói với Mark Meadows, chánh văn phòng của Tổng thống Trump khi đó, là kiên quyết phản đối đề xuất này.
"Một người không xuất thân từ đặc vụ FBI sẽ không bao giờ có thể nhận được sự tôn trọng cần thiết để điều hành hoạt động hàng ngày của cơ quan này. Ý tưởng bổ nhiệm Patel vào vị trí như vậy là thiếu thực tế", ông viết.
Tổng thống đắc cử Trump có ác cảm ngày càng tăng đối với FBI sau loạt vụ điều tra và truy tố ông. FBI từng khám xét dinh thự Mar-a-Lago ở Florida để tìm tài liệu mật, lục soát cả phòng ngủ và tủ quần áo của bà Melania. Nỗi ác cảm này khiến việc ông Trump lựa chọn Patel càng trở nên khó chịu hơn đối với nhiều người, khi họ lo ngại ông sẽ sử dụng FBI như công cụ để truy quét các đối thủ.
Ông Trump thấy Patel là người không ngần ngại giải quyết "nhà nước ngầm", thuật ngữ mà ông dành cho bộ máy quan liêu liên bang muốn hạ bệ mình, theo nguồn tin thân cận. Mong muốn sa thải Wray của ông Trump tăng lên trong những tháng gần đây và ông muốn chọn một đồng minh trung thành có thể làm việc chặt chẽ với Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington ngày 13/11.(Ảnh: AFP)
Bất chấp những nghi ngại, một số cựu cấp trên của Patel trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu đánh giá ông là người tận tụy với đất nước và bị những người chỉ trích hiểu lầm.
"Khi ông ấy nói về dọn dẹp bộ máy và loại bỏ 'nhà nước ngầm', tôi hiểu ông ấy muốn đề cập tới những người theo chủ nghĩa đảng phái đã thao túng quy trình làm việc, những người hủy hoại FBI và sứ mệnh vĩ đại của cơ quan này trong quá khứ. Ông ấy muốn khôi phục sứ mệnh đó", Richard Grenell, cựu quyền giám đốc tình báo quốc gia dưới thời ông Trump, nói.
Trở thành lãnh đạo FBI sẽ là bước tiến nhanh chóng và đáng chú ý trong sự nghiệp của Patel, con trai của những người nhập cư Ấn Độ lớn lên tại Garden City ở New York. Sau khi ông Trump rời nhiệm sở năm 2021, Patel đã luôn sát cánh bên cựu tổng thống ngay cả khi nhiều người trong đảng giữ khoảng cách hoặc quay lưng với ông sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol.
Ông bắt đầu sự nghiệp hậu chính phủ với tư cách là nhà viết sách, biến nó thành phương tiện bày tỏ bất bình với đảng Dân chủ và những người chỉ trích ông Trump. Ông cũng xuất bản loạt sách thiếu nhi, trong đó có nhân vật phù thủy tên Kash và Vua Donald, người quyết tâm làm cho vương quốc vĩ đại trở lại. Trong năm qua, Patel luôn xuất hiện trong các sự kiện vận động tranh cử cho ông Trump.
Một số thượng nghị sĩ cũng bày tỏ ủng hộ đối với Patel. "Ông ấy đại diện cho những thay đổi mà chúng tôi cần thấy ở FBI", thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty nói trong chương trình Meet the Press của NBC ngày 1/12.
(Theo WSJ, Washington Post)
TN (theo vnexpress)