Tài chính

Vắng khách mua sắm thời trang cuối năm

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, mua sắm online đã trở thành xu hướng mới. Điều này đã gây không ít khó khăn đối với mô hình thời trang bán lẻ tại các chợ truyền thống, các cửa hàng thời trang khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Mỏi mòn chờ khách

Những năm trước, đây là thời điểm các cửa hàng thời trang nhộn nhịp hơn bao giờ hết, tấp nập người ra kẻ vào mua sắm tết. Nhưng năm nay, chỉ còn 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường thời trang bán lẻ vẫn im ắng, đìu hiu. Chiều tối, đi dọc các tuyến đường có nhiều cửa hàng thời trang như Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong… không còn cảnh khách hàng đông đúc lựa quần áo như mọi năm, mà chỉ lác đác vài người ghé qua. Mặc dù các cửa hàng đã tung nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, nhưng lượng người đến mua vẫn giảm rõ rệt. Giải thích nguyên nhân, một chủ cửa hàng trên đường Thủ Khoa Huân chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người có xu hướng mua sắm online, không còn hứng thú đến các shop thời trang xem đồ như xưa, nên khách vắng hẳn. Để bán được hàng, duy trì mặt bằng, cửa hàng cũng phải livestream và bán trên các trang thương mại điện tử. Qua tết, tình hình ế ẩm vầy chắc chỉ có trả lại mặt bằng chớ chúng tôi không trụ nổi”.

Nhiều cửa hàng khuyến mãi sâu nhưng vắng khách.

Không riêng gì các cửa hàng thời trang trên phố mà ở chợ truyền thống càng hẩm hiu hơn. Các kios giày dép, quần áo… với giá cả bình dân từng là nơi tấp nập người mua kẻ bán mỗi dịp cuối năm. Nhưng mùa tết này, vòng quanh chợ Phan Thiết, bao trùm bởi dáng vẻ đìu hiu khi lượng khách ghé thăm quá ít. Những tiểu thương thường bận rộn với việc tư vấn, gói hàng, soạn hàng cho khách thử nay lại ngồi trò chuyện, thở dài trong sự mòn mỏi.

Chị Thúy, một tiểu thương bán quần áo trẻ em tại chợ Phan Thiết than thở: “Những năm trước tôi phải thuê thêm người phụ bán, bận rộn từ sáng đến chiều, nhưng năm nay, khách giảm nhiều do kinh tế khó khăn, khách cũng hạn chế mua sắm cho con cái như xưa. Tôi không dám nhập hàng nhiều, chỉ lấy hàng có giá bình dân dành cho người có thu nhập trung bình và dù đã giảm giá hết mức nhưng cũng chỉ lác đác vài người đến xem, chủ yếu hỏi giá xong rồi bỏ đi”. Tại các quầy hàng thời trang trong các siêu thị như Lotte Mart, Co.opmart cũng không khả quan hơn dù người đi mua sắm tại siêu thị thời điểm này đông hơn trước. Hầu hết các cửa hàng đều có chương trình khuyến mãi, sale lớn nhưng nhu cầu mua sắm quần áo của người dân thật sự đã cắt giảm ít nhiều. Nhiều chủ cửa hàng phải đối mặt với áp lực chi phí thuê mặt bằng cao trong khi doanh thu không bù nổi chi phí.

Xu hướng mua sắm online

Đa số các tiểu thương và chủ các cửa hàng thời trang đều cho biết, lượng khách hàng đến mua sắm năm nay đã giảm từ 30 - 40%. Có lẽ tình hình kinh tế sau đại dịch vẫn còn khó khăn, giá cả sinh hoạt tăng cao khiến người dân ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, làm giảm lượng khách đến các chợ và trung tâm mua sắm. Thêm vào đó, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn, vừa tiết kiệm thời gian đi lại mà giá cả cũng cạnh tranh. Tình trạng này càng khiến tiểu thương chật vật duy trì doanh thu, các shop thời trang đứng trước nguy cơ trả mặt bằng trong năm tới.

Lượng người mua sắm năm nay giảm rõ rệt

Thực tế cho thấy, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua hàng online bởi chỉ cần vài thao tác là có thể mua thành công sản phẩm mình ưa thích mà không cần phải đến tận nơi bày bán sản phẩm. “Mô hình bán hàng trực tiếp tại cửa hàng khó mà cạnh tranh với bán hàng online bởi mẫu mã, số lượng sản phẩm của họ rất nhiều, đi kèm với mạng xã hội nên họ dễ dàng tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng hơn” – Chủ một cửa hàng thời trang lớn ở đường Trần Hưng Đạo chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự đa dạng trong các kênh mua sắm trực tuyến cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người mua hàng. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… hay sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Tiktok đã tạo ra một không gian mua sắm khổng lồ đi kèm với sự tiện nghi trong các quy trình để người dùng có thể nhanh chóng tiếp cận, đặt mua, sử dụng sản phẩm. Do đó, kênh thời trang bán lẻ trực tiếp đang phải cạnh tranh rất khốc liệt, nếu không thay đổi, không bắt kịp xu hướng, không áp dụng chuyển đổi số thì việc duy trì mặt bằng để bán buôn như bấy lâu không còn là giải pháp tốt.